Saturday, 20/04/2024 - 22:59|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Long Khánh A

Hướng dẫn học sinh Tìm hiểu về di tích văn hóa cấp Quốc Gia Đình Long Khánh

Phần ITìm hiểu sơ lược về di tích Đình Long Khánh

Tìm hiểu sơ lược về di tích Đình Long Khánh

(Di tích cấp Quốc Gia)

Từ khoảng cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, từng đoàn người Việt từ miền Bắc, miền Trung trong công cuộc Nam tiến đã dần dần khai phá và chinh phục thiên nhiên ở vùng đất Nam Bộ. Điều kiện thời tiết thuận lợi, sản vật thiên nhiên phong phú cùng với tinh thần cần cù lao động đã giúp họ ổn định cuộc sống trên vùng đất mới. Trong bối cảnh đó, trên mảnh đất cù lao Long Khánh lúc bấy giờ, với bốn bề sông nước, cây cối xanh mướt, um tùm; phù sa sông Tiền ngày đêm vun bồi, đất đai màu mở, tôm cá nước ngọt dồi dào… đã thu hút người dân đến đây lập nghiệp. Họ khai hoang, mở đất sản xuất tạo dựng cuộc sống gia đình và phát triển làng mạc.

Theo thông lệ lúc bấy giờ, khai hoang song phải lập làng để được công nhận đất đai khai khẩn được là của nhà Vua, người chịu đóng thuế là con dân của Vua. Chứ không thì chỉ là đám lưu dân tập thể. Lập làng mới chỉ là công nhận về mặt pháp lý. Điều mà mọi dân làng thời kỳ này quan tâm nhiều hơn là làng phải có sắc phong của nhà vua phong cho một nhân vật nào đó có công với làng, với nước hay một đối tượng thờ vô danh tánh là thần Thành Hoàng Bổn Cảnh làm thần làng, để nhân dân có đối tượng thờ phượng, thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh trên vùng đất mới. Đó là nguyện vọng thiết tha của lưu dân trên đường mở cỏi. Nếu làng chưa được công nhận thì họ chỉ là đám lưu dân tập thể. Tờ sắc phong của Vua đối với họ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi thế vào khoảng năm 1830, ở Long Khánh này, một vị hào trưởng có uy tín trong làng đứng ra vận động nhân dân quyên góp kẻ ít người nhiều, tùy vào lòng hảo tâm của mọi người; kẻ góp của, người góp công cùng nhau dựng nên ngôi đình làng (tại ấp Long Thái, xã Long Khánh). Ngôi đình được dựng nên với vật liệu thô sơ, nhưng đó là tấm lòng của người dân đối với làng, để mọi người có được nơi thờ phượng, cùng nhau vui chơi giải trí sinh hoạt tinh thần và chọn ngày hàng năm tổ chức lễ cúng Thượng Điền mùng 9-10 thánh 05 và Hạ Điền 16-17 tháng 12 âm lịch.

Cuối năm 1852, một sự kiện quan trọng đến với người dân Long Khánh là được Vua Tự Đức ban sắc phong – Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh cho dân làng thờ phượng vào ngày 29 tháng 11 năm 1852, dù đây chỉ là một vị thần vô danh tánh, nhưng nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân đi mở cỏi lập làng. Vì từ đây họ được công nhận là dân bản xứ có tên trong làng hẳn hoi, chứ không phải là dân lưu tán. Trải qua thời gian sử dụng, cùng với tàn phá của thời tiết, ngôi đình ban đầu bị xuống cấp và do nền đình bị sạt lở nên được nhân dân dời đến địa điểm ấp Long Phước (cũng thuộc xã Long Khánh và là vị trí hiện nay của ngôi đình) thuận lợi cho việc đi lại cúng tế.

Sau đó, ông cả Nguyễn Như Lăng, một vị cao niên có uy tín với làng đứng ra vận động tiền của để cất ngôi đình mới qui mô, với vật liệu bền vững để nhân dân có nơi thờ cúng lâu dài.

Vì vậy, vào năm 1908 ngôi đình được khởi công xây dựng, sau 03 năm hoàn thành (1911) ngôi đình cất theo dạng trùng thêm điệp ốc, có kích thước: dài 54m8 x ngang 14m; có 114 cột gỗ căm xe (tròn) đỡ mái. Ngôi đình mới tọa lạc trong khuôn viên đất có diện tích 3060m2 thuộc ấp Long Phước, xã Long Khánh (nay là xã Long Khánh A). Đình gồm các phức hợp kiến trúc: võ qui, võ ca, tiền tế, chánh điện, nhà khách, miếu Bạch Mã Thái Giám, Bà chúa xứ… tất cả điều được xây dựng kiên cố khang trang lộng lẫy.

Từ ngày xây dựng đưa vào sử dụng sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, ngôi đình đã gắn chặt đời sống sinh hoạt của nhân dân địa phương và các vùng lân cận vào các dịp lễ cúng đình được mọi người đến cúng viếng rất đông.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, Đình Long Khánh là nơi thờ cúng, vui chơi giải trí, bàn bạc việc làng, là nơi tụ hội nhân dân sinh hoạt văn hóa của làng. Đến khi đất nước có chiến tranh, đình được sử dụng để làm cơ sở phục vụ kháng chiến.

Nơi đây, trong những năm 1928, 1929 cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Một nhà nho yêu nước, một thầy thuốc trú ngụ tại chùa Giồng Thành (Long Sơn) tỉnh An Giang, thỉnh thoảng có đến đình Long Khánh xem mạch hốt thuốc cho dân. Qua công việc này cụ thường khéo léo bàn chuyện nước non với các cụ già trong Ban tế tự đình và biết được người dân ở đây có tinh thần yêu nước và ủng hộ phong trào cách mạng của địa phương rất nhiệt tình nên cụ có làm 02 câu thơ khen tặng:

“Dân làng Long Khánh tuy ở Cù Lao

Nhưng tinh thần yêu nước rất cao”

Câu thơ này thường được cụ Hương cả đương niên là ông Phan Đại Võng nhắc nhỡ với con cháu và nhân dân trong làng.

Năm 1979, khi bọn phản động Pôn pốt xâm chiếm biên giới Tây – Nam nước ta, Đình Long Khánh được sư đoàn 330 sử dụng làm quân y viện điều trị thương cho bộ đội góp phần đánh tan bọn diệt chủng xâm lược.

… Như vậy, trong quá trình tồn tại ngôi đình đã thể hiện được tính chất đa chức năng của ngôi nhà chung ở địa phương. Nó đã đi sâu vào tâm thức của mọi người. Sân đình là chổ để trẻ em nô đùa, hậu đình dành cho người già đàm đạo nâng chén chè dạy con cháu lẽ phải sống ở đời. Lễ hội đình làng là dịp thanh niên nam nữ gặp nhau, cho cả làng cùng ăn chung một bữa cơm trong bữa tiệc cầu an. Người đến đình không kể giàu hay nghèo, trí thức hay bình dân, nam hay nữ… Tuy già trẻ có sự phân biệt, người già quan tâm đến đình hơn là người trẻ nhưng nhiều năm gần đây, giới trẻ rủ nhau tham dự hội đình rất đông, có thể là “ham vui” nhưng điều đó nói lên sự ảnh hưởng ít nhiều văn hóa đình trong ý thức của giới trẻ, góp phần khôi phục gìn giữ và phát triển nền văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Chính từ những lợi ích thiết thực của văn hóa lễ hội đình làng, tạo nên sân chơi lành mạnh cho nhân dân vui chơi giải trí, thờ cúng sinh hoạt văn hóa tinh thần góp phần ổn định trật tự xã hội nên đình Long Khánh được UBND tỉnh Đồng Tháp ra Quyết định số 981/QĐ-UB-HC ngày 16 tháng 06 năm 2004 xếp hạng và công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Người Viết: Nguyễn Anh Tuấn

(Phần II: Kiến trúc và cách trang trí bên trong)

Lượt xem: 1.290
Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn:Lý lịch Đình Long Khánh (Bảo tàng Tổng Hợp Đồng Tháp năm 2009) Copy link
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 63
Hôm qua : 90
Tháng 04 : 681
Năm 2024 : 9.065